Thoải mái nghỉ ngơi - Tuyệt vời cuộc sống !


Mười năm, trở lại...

Friday, 07/08/2015, 15:31 GMT+7

Lẽ ra, đúng mức theo quan hệ xã hội giữa tác giả và nhân vật, tôi nên gọi ba trong số những nhân vật sắp đề cập bằng anh - chị. Dương Thị Bích Lý ở Tiên Phước 21 tuổi. Nguyễn Đại Phát ở thị trấn Hai Riêng, Sông Hinh, Phú Yên đã 26 tuổi. Còn Nguyễn Đình Hảo ở xã Sơn Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh thì đã chững chạc là 1 ông bố 29 tuổi, 2 con, 1 trai và 1 gái. Khổ nỗi, gọi thế họ sẽ phật lòng. Tôi gặp họ lần đầu tiên từ 10-12 năm trước. Lúc đó, cả ba đều chỉ là những cô bé, cậu bé. Họ thích gọi tôi bằng chú, xưng cháu, xưng con cho tỏ ra thân mật kiểu gia đình.

Đã 21 tuổi, lớn phổng phao thành một thiếu nữ khỏe mạnh nhưng Dương Thị Bích Lý mới chỉ vừa học xong lớp 10 ở Trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng, thị trấn Tiên Phước, Quảng Nam. Mười năm trước, học chưa xong lớp 1, Lý đã ngã quị ngay giữa lớp vì bệnh tim bẩm sinh.

Với hoa lợi từ 2 sào vườn đồi ở thôn 5, xã Tiên Phong, cùng huyện Tiên Phước, ông bà Dương Công Vinh - Doãn Thị Xuân xoay xở lo cái  ăn cái mặc cho 10 đứa con đã đủ "bạc mặt". Khoản kinh phí khổng lồ để thực hiện ca mổ tim cho cô con gái út Dương Thị Bích Lý, họ không kham nổi, đành héo hắt ngồi bó tay ngó con mình bị những cơn đau hành hạ, liên tục xỉu lên xỉu xuống, mạng sống có thể bị tước  đi không biết lúc nào. Bỏ học 4 năm, ở tuổi 11, bé Lý vẫn èo uột như  một đứa trẻ lên 5.

Tình cờ phát hiện ra hoàn cảnh bi đát của em, ngay trong chuyến đi công tác từ thiện tháng 7/2004, Báo ANTG, nay  là Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã quyết định cấp tốc liên hệ với Bệnh viện Trung ương Huế lo thủ tục mổ tim cho em, kinh phí  do Báo chịu trách nhiệm.

Ca mổ do đích thân GS-TS Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế đảm trách đã thành công mỹ mãn. Chỉ vài tháng sau, Lý đã có thể quay lại trường, bắt đầu tự học lại từ lớp 2. Em học rất giỏi. Ngày chúng tôi đến thăm, Lý  đã ra khoe một “gia tài”: một xấp bằng khen, giấy khen dày cộp. Bà Xuân, mẹ của Lý hồ hởi: "Giờ cháu khỏe lắm. Nhà cách trường 10km nhưng cháu hầu như chẳng bỏ học buổi nào".

Nhìn những con đường nhỏ xíu uốn lượn vòng vèo theo những triền đồi rậm rạp, chúng tôi không khó hình dung ra những nỗ lực, vất vả để theo đuổi con chữ mà 10 năm qua, một bệnh nhân tim bẩm sinh như Dương Thị Bích Lý đã trải qua. Đường nhỏ và dài hun hút, nhưng với nỗ lực, chúng tôi tin rồi Bích Lý cũng sẽ tìm được  lối vươn ra một tương lại rộng mở.

Bi đát hơn nhiều, căn bệnh mà các thành viên trong gia  đình của Nguyễn Đình Hảo, Nguyễn Đại Phát mắc  phải đều vô phương cứu chữa. Nhà Nguyễn Đình Hảo có 7 anh chị em thì 5 người chị đã bị mù bẩm sinh. Mùa đông năm 2002, phát hiện ra hoàn cảnh khốn quẫn của gia đình này, chị Như Bình (nay là Trưởng ban CSTC, Báo CAND) đã gọi điện vào tòa soạn ở phía Nam, nằng nặc yêu cầu "phải có cách gì đó để giúp họ".

Gia đình Nguyễn Đại Phát  ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, Phú Yên, chúng tôi phát hiện nhờ sự giúp đỡ của một  đồng nghiệp khác, chị Trịnh Thị Phương Trà, phóng viên Báo Phú Yên. Khi chúng tôi đến vào tháng 10/2001, cả bố, mẹ và đứa em út của Phát đều vừa qua đời vì bệnh AIDS, lây nhiễm từ người bố nghiện ngập của Phát. Đứa em út Nguyễn Minh A. (SN 1997), khi đó chưa  đầy 4 tuổi nhưng cũng đã mang sẵn mầm HIV ở trong người.

Căn nhà gỗ ọp ẹp bên rìa chợ Hai Riêng cơ hồ sẽ sập nhào xuống sườn đồi bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, trụ cột của cả gia đình khốn quẫn đó vào lúc ấy chỉ là một thằng cu Phát mới 14 tuổi, bỏ học từ lâu, rất ngỗ ngược. Việc duy nhất mà nó thạo từ trước đó là một tuần vài lần bắt xe buýt từ Hai Riêng về thị xã Tuy Hòa, cách 50 km để mua… ma túy cho người cha nghiện ngập.

Nó khoe: "Đến Tuy Hòa, chỗ nào bán thuốc con nhìn là… biết liền". Giọng "nẫu" Phú Yên đậm đặc, nó nói nghe vừa khôi hài  vừa chua xót. Chỗ tìm thuốc, nó biết, nhưng chỗ để tìm ra gạo cơm cho bản thân và 3 đứa em còn sống Nguyễn Thị Ngọc Sinh, Nguyễn Trí  Phương và Nguyễn Minh A. thì thằng nhóc không hình dung nổi. Đời sống thoi thóp và tuyệt vọng của 4 anh em nhờ cả vào tay một người phụ nữ cao cả: bà Nguyễn Thị Bình, thường  gọi là má Sáu, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hai Riêng.

Những hoàn cảnh bi đát, khốn quẫn ấy đã không cho phép chúng tôi chần chừ hay lưỡng lự. Từ những bài viết trên tờ ANTG, lòng hảo tâm của bạn đọc cả nước đã giúp những mảnh đời tận đáy của sự cùng cực dần dần hồi sinh. Báo ANTG đã nhanh chóng vận động xây lại nhà cửa, tặng mỗi gia  đình hàng chục triệu đồng  để làm sinh kế.

Nhà Nguyễn Đình Hảo đông người, báo mua thêm cho 4 con bò để tạo thêm công ăn việc làm cho những thành viên thiếu năng lực lao động. Phần lớn số tiền xây nhà  xây cửa, tạo công ăn việc làm cho họ đều do ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty Võng xếp Duy Lợi đóng góp. Cả Hảo và Phát, tháng 11/2003, chúng tôi đều đưa vào Tp HCM. Một lần nữa, ông Lâm Tấn Lợi lại dang rộng vòng tay hào hiệp, đón cả hai đứa trẻ cù bơ cù bất về nuôi nấng, cho chúng học nghề cơ khí.

Sợ thằng cu Phát sinh hư, hết giờ làm, đi đâu ông Lợi cũng cho nó đi theo. Nhiều năm liền, cu Phát nhỏ thó cứ chồm hổm đu sau yên chiếc xe Yamaha X9 to xù  của ông chủ, bố  nuôi Lâm  Tấn Lợi, như một con nhái bén, đi khắp cùng trời cuối  đất. Bé Minh A., em nó, vì mang mầm HIV trong người, chúng tôi đã làm thủ tục gửi cháu vào một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt của Tp HCM đóng ở Thủ Đức.

Lòng hảo tâm có thể giúp nuôi sống những đứa trẻ có hoàn cảnh bi đát, nhưng dạy chúng nên người thì không dễ. Thằng cu Phát lóc chóc vào học nghề nhưng vẫn ngỗ ngược, sẵn sàng cà khịa với những anh chị công nhân khác lớn hơn nó cả chục tuổi. Hảo thì ngược lại, gần 20 tuổi (29 tuổi) nhưng chẳng bao giờ thấy nó cười nói hoạt bát một câu cho ra dáng thanh niên. Hết giờ làm, nó rúc vào xó nhà ngồi xoạc hết cả bốn tay chân, ruồi bâu không buồn đuổi.

Làm việc được dăm tháng, nó lại trốn về quê vì nhớ nhà, ở nhà rong chơi vài tháng, Báo phải cho người ra đón mới chịu vào lại. Giữa năm 2007, nó nhất định xin về ở quê luôn, lý do  là "để cho con bạn gái con  nó… đẻ". Hai năm sau, thằng nhóc Phát cũng "sao y bản chính" gương  anh Hảo.

Những ngày cuối cùng của tháng 5/2013, chúng  tôi về thăm, những đứa trẻ hoàn cảnh cá biệt ngày nào đã thành những con người khác hẳn. Hảo lấy vợ, cũng nghèo như nó, lại bị bệnh động kinh. Một lần, vợ lên cơn, tiền thuê xe ôm đưa vợ đi bệnh viện không có, nó chạy sang  hàng xóm mượn 30.000 đồng. Người ta  đưa, nhưng bảo nó là "cho luôn chứ không cho mượn, mày mượn lấy gì mà trả!".

Hảo bảo: “Nhục quá, cháu chịu không nổi, đưa vợ lên bệnh viện xong là chạy bộ về nhà ngay, vác cưa vào rừng đi đốt một hơi 10 bao than. Từ đó đến nay thì việc gì cháu cũng làm”. Bây giờ, nó đã  là một gã trai lực điền đen nhẻm, xốc vác, làm quần quật đủ nghề. Ông bố nó đã mất vì lao lực, nó trở thành điểm tựa không thể thay thế để chèo lái một gia đình 7 anh chị em, ngoài mẹ già đã mất sức lao động, một cô vợ bị động kinh không làm được gì ngoài việc la hét 2 đứa con còn có thêm 6 người chị nhưng 5 người bị mù.

Một trong số đó lấy chồng, cũng mù,  ở xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, có 2 đứa con nhưng không may người chồng vừa bị chết vì ung thư. Một chị còn sáng mắt  và một chị khác bị mù đều bảo rằng "vì nghèo không ai lấy nên đều phải "xin" con cho… vui cửa vui nhà". Hậu quả là mỗi người sinh được thêm 2 đứa con (ơn trời, đều sáng mắt) bổ sung thêm sự nheo nhóc vốn đã thừa thãi trong gia đình trước khi tuổi đời tròn con số 20. Tất nhiên, chúng tôi hiểu, chữ "xin con cho vui cửa vui nhà" mà họ dùng chỉ là một cách diễn đạt  khác của khái niệm niềm vui dại dột và nông nổi!

Thằng cu Phát ở Phú Yên cũng đã có vợ, được một bé trai 2 tuổi rất kháu khỉnh. Khi con còn đỏ hỏn, cô vợ trẻ con của Phát đã không  chịu nỗi cảnh nghèo lay lắt, vứt con lại cho nó  và bỏ đi đâu mất biệt. Không còn thời gian  để lêu lổng, Phát làm thuê làm mướn  đủ nghề để nuôi con, nuôi em. Ngọc Sinh, em gái nó đã lớn, lần vào tận Bình Dương mở một quán cà phê cóc trong khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương.

Em kế Nguyễn Trí Phương được anh Phát gửi học nghề sửa xe máy  ngay tại thị trấn, sắp ra  làm thợ. Hôm Tết, cháu Minh A., 16 tuổi từ trại mồ côi có về thăm anh chị. Dù mang bệnh nhưng được chăm sóc, chạy chữa tốt nên Minh A. vẫn khỏe mạnh, trắng trẻo, đẹp như diễn viên điện ảnh hay ca sĩ gì đó không mắc bệnh.

Bệnh tật và hoàn cảnh của họ thôi thì đã thuộc về hai chữ số phận, khó có thể thay đổi được. Nhưng sự quan tâm của xã hội ít nhiều cũng giúp những cuộc đời  ấy gỡ bớt sự bó  buộc khốn quẫn. Trong chuyến về thăm, chúng tôi đã gửi lại giúp gia đình em Hảo 50 triệu đồng, giúp nhà cu Phát 50 triệu và tặng cháu Dương Thị Bích Lý 10 triệu đồng. Số tiền này và cả 280 triệu đồng giúp  các hoàn cảnh khó khăn trên 6 tỉnh mà chúng tôi vừa ruổi qua vào cuối tháng 5/2013 đều là món quà gặp lại sau 10 năm của ông Lâm Tấn Lợi.

Địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm là nhà ông  Nguyễn Chí Phúc, 83 tuổi ở thôn Cao Cựu, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, nhân vật chính trong phóng sự "Gia đình  có 6 người điên" đăng trên Báo ANTG  tháng 8/2001. Ngay sau khi báo phát hành với ngỏ ý vận động lòng hảo tâm góp tiền xây nhà cho họ, ông Lâm Tấn Lợi đã gọi điện hỏi ngay số tiền cần thiết là bao nhiêu, sau đó cùng chúng tôi xây cho gia đình ông Phúc một căn nhà trị giá 30 triệu đồng, gửi một sổ tiết kiệm 30 triệu đồng và ủng hộ thêm 17 triệu đồng để gia đình này sinh sống và chạy chữa cho những  đứa con bị bệnh điên.

Đó là lần đầu tiên ông Lâm Tấn Lợi tham gia làm công tác từ thiện, khởi đầu cho một hành trình hết lòng cứu giúp người nghèo, người  khó một cách hào sảng và tận tụy  mà ông đã đồng hành cùng Chuyên đề ANTG và Báo CAND suốt 12 năm qua. Hàng chục  chuyến, lần lượt 6 người, 5 bị điên và 1 bị bệnh down trong gia đình này đã được báo đưa ra bệnh viện tâm thần ở Thường Tín, Hà Tây, nay thuộc Hà Nội chạy chữa. Không khỏi hẳn, xong ít nhiều bệnh tật của họ cũng đã bị đẩy lùi trong từng giai đoạn.

Các bệnh nhân Nguyễn Chí Cảnh, Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Văn Bình… từ chỗ bị ông Phúc xích tay chân, đóng cũi nhốt để khỏi giết lợn, đốt nhà thì nay đã có lúc tỉnh táo, có thể làm việc lặt vặt trong nhà, trong vườn và chăm sóc 2 sào ruộng (1.000m2). Rồi thỉnh thoảng lên cơn lại được địa phương thuê người chở ra Thường Tín nằm viện chữa trị 6 tháng đến 1 năm. Bi đát vẫn hoàn bi đát.

Bà Trương Thị Dụng, người mẹ có những đứa con điên đã mất. Từ con số 6, gia đình này đã xuất hiện thêm người điên thứ 7. Sau khi rời quân ngũ, Thiếu úy biên phòng  Nguyễn Hữu Quý, người đàn ông tỉnh táo duy nhất trong  số 8 anh em về quê lấy vợ, sinh được 3 đứa con thì lại tiếp tục phát bệnh tâm thần. Vợ ôm con về bên ngoại, để lại mình anh lang thang cùng đội ngũ em út bị điên vốn đã quá đông trong cùng một gia đình.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã gửi lại cho gia đình họ 20 triệu đồng, nhờ địa phương mua giúp cho họ một con bò đẻ. Có thêm một chút công việc không quá nặng nhọc để mà bận rộn, hy vọng đó là cách để làm dịu bệnh tình của những người khi điên khi tỉnh…

Theo cand.com.vn

Nhân viên kỹ thuật

0933 888 888

Nhân viên kỹ thuật

0934 888 888

Tư Vấn Kỹ Thuật

0903 030303